Nhà nước là một bên của hợp đồng dự án đối tác công tư nên quyền và nghĩa vụ phải bình đẳng với nhà đầu tư

Hội thảo về dự luật đầu tư theo hình thức đối tác công tư do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Bộ KH&ĐT tổ chức ngày 23-3 trở thành dịp để các nhà đầu tư nói lên “nỗi lòng” của mình.

Đừng đánh đồng với mấy ông “kiếm chác”

Ông Lưu Xuân Thủy, Phó TGĐ Công ty Đèo Cả, nói từ thực tiễn, các nhà đầu tư rất trăn trở về những bất cập của các quy định về đầu tư đối tác công tư (PPP). Cứ theo ông Thủy thì nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc rất quan tâm đến PPP ở Việt Nam nhưng khi “đụng” dự án cụ thể thì họ lại cảm thấy có rủi ro về chính sách.

Kể câu chuyện của công ty mình, ông Thủy cho biết: Dự án đèo Cả được Nhà nước cam kết bố trí vốn ngân sách. Nhưng khi Nhà nước không bố trí được vốn thì yêu cầu doanh nghiệp đi tìm vốn khác. Doanh nghiệp đã đi vay ngân hàng, trả lãi trong vòng 10 năm. Nhưng khi Nhà nước thấy lãi nhiều quá nên bố trí nguồn vốn khác. “Thế là chúng tôi phải phá vỡ hợp đồng tín dụng và đền 90 tỉ. Lẽ ra hợp đồng giữa nhà đầu tư và Nhà nước phải được tuân thủ” - ông Thủy nói.

Nhiều khó khăn trong chính sách cộng với việc không được nhìn nhận đúng khiến nhiều nhà đầu tư chán nản, chuyển hướng kinh doanh và ông Thủy gọi đây là điều đáng tiếc. “Không thể đánh đồng mấy ông tranh thủ kiếm chác với mấy ông có kinh nghiệm, tâm huyết, chung thủy với ngành nghề” - ông Thủy nói.

Ông Phạm Quang Dũng, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tasco, cũng đồng quan điểm nhưng lưu ý vấn đề “tỉ lệ vốn chủ sở hữu” của các nhà đầu tư mà dự luật định đưa vào. Bởi theo ông, các quy định nói nhà đầu tư phải đủ vốn nhưng những dự án hàng ngàn tỉ đồng nếu doanh nghiệp đóng vào để “chơi” thì hơi lãng phí. “Quốc hội vừa rồi cũng phải đồng ý để nhà đầu tư đóng vốn chủ sở hữu theo tiến độ dự án. Nếu đóng vào một chỗ thì bất cập vì tiền doanh nghiệp thì luôn phải sinh lời” - ông Dũng nói.

Hợp tác công tư: Doanh nghiệp cần sự bình đẳng - ảnh 1

Ông Dũng cũng lấy ví dụ một dự án PPP của mình ở Hà Nội để minh họa cho những khó khăn từ chính sách. Theo ông, dự án này đã ký kết hợp đồng BT với Hà Nội 10 năm, trong đó quy định theo phương thức “vật đổi vật, ngang giá, không thay đổi suốt thời gian hợp đồng có hiệu lực”. Thế nhưng hiện nay Hà Nội lại báo cáo lên Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính để xem xét lại vì vướng nhiều luật. “10 năm qua, bất động sản biến động nhiều, có lúc nhà đầu tư bán dưới giá thành. Thế mà Hà Nội cứ nâng lên đặt xuống. Hợp đồng rồi thì phải thực hiện mới đúng chứ” - ông Dũng bày tỏ.

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, cũng kể: Có dự án rất lớn ở Bà Rịa-Vũng Tàu, đã ký kết hợp đồng PPP với nhà đầu tư. Nhưng cơ quan nhà nước tại đây lại thay đổi vì “pháp luật đã thay đổi”. “Thế là giá thuê đất tăng lên 14 lần, nhà đầu tư méo mặt…” - ông Tuấn nói.

Dự luật này hy vọng trở thành luật chơi “vừa nghiêm khắcvừa khoa học” để thúc đẩy các dự án PPP mang lại hiệu quả đầu tư cao. Thảm xanh, thảm đỏ không quan trọng, các nhà đầu tư đàng hoàng cả nước ngoài và trong nước đều mong muốn có những cam kết và đảm bảo chắc chắn trong các dự án PPP. Đó là một trong những mục tiêu của dự luật.

 
 
 

ÔngTRẦN VIỆT DŨNG, Chánh Văn phòng PPP, Bộ KH&ĐT 

Nhà nước đừng là cấp trên

Một vấn đề khác được các nhà đầu tư nêu lên là sự bình đẳng giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP. “Lẽ ra quyền và trách nhiệm của Nhà nước phải ngang với nhà đầu tư. Nhưng thực tế là dù ký hợp đồng rồi nhưng Nhà nước sẵn sàng thay đổi. Nhà nước cứ như cơ quan cấp trên” - ông Dũng nói.

Ông Thủy cũng bày tỏ tâm tư sau nhiều năm làm việc với các cơ quan nhà nước, tức là một bên của hợp đồng trong các dự án PPP. “Thường thì các cơ quan nhà nước hành xử theo kiểu khác chứ không phải đối tác. Có khi còn đưa ra văn bản như là nghị quyết của cấp ủy đảng của cơ quan đó bắt chúng tôi phải tuân thủ” - ông Thủy nêu.

Ông Phan Xuân Dương, Phó TGĐ Công ty Cổ phần Năng lượng Vĩnh Tân 3, còn nói mạnh hơn: “Thực ra trong quá trình chín năm chúng tôi làm dự án, các ông ấy đối xử với chúng tôi như là ông bố với ông con chứ không phải là một bên hợp đồng…” - ông Dương nói.

Theo ông Dương, quan trọng nhất vẫn là hai bên thông hiểu nhau, tuân thủ chặt chẽ hợp đồng đã ký và phải đạt đến trạng thái “hợp đồng ký chỉ để cất ngăn kéo”, tránh chuyện hợp đồng ký rồi cứ phải lôi ra đọc mỗi ngày.

Nhiều luật sư, chuyên gia cũng đồng ý với “nguyên tắc bình đẳng” giữa Nhà nước và nhà đầu tư trong các dự án PPP và cho rằng: Điều đó sẽ thúc đẩy sự phát triển chung khi cả hai bên đều tôn trọng nhau.

Một số tồn tại của các dự án BOT, BT

Hầu hết các dự án BOT, BT được thực hiện kiểm toán đều áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư, dẫn đến làm giảm sự cạnh tranh, minh bạch trong công tác lựa chọn nhà đầu tư, tiềm ẩn rủi ro lãng phí, thất thoát và chọn nhà đầu tư không có đủ năng lực thực hiện dự án.

Công tác giám sát trong quá trình thực hiện hợp đồng còn lỏng lẻo, dẫn đến chất lượng thường không đảm bảo, sụt lún, xuống cấp nhưng không được khắc phục kịp thời.

Đối với dự án BOT giao thông, xuất hiện các bất cập về mức phí quá cao, vị trí đặt trạm thu phí chưa đảm bảo khoảng cách 70 km, thời gian thu phí chưa phù hợp, chưa đảm bảo sự lựa chọn cho người dân do được thực hiện trên trục đường độc đạo hoặc đường quốc lộ 1A...

(Trích dự thảo tờ trình Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư)

 

                                                                                                  Nguồn từ báo pháp luật