Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận dài hơn 51 km, đi qua 5 huyện của tỉnh Tiền Giang. Đây là dự án trọng điểm giảm tải cho quốc lộ 1A. Cao tốc là một trong những tuyến đường huyết mạch, kết nối vùng Tây Nam Bộ với TP HCM và khu vực kinh tế trọng điểm phía Nam.
Tuy nhiên, sau 10 năm thi công, dự án vẫn chưa thành hình. Tại đoạn nối với cao tốc TP HCM - Trung Lương (xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành, Tiền Giang) phần lớn chỉ là đoạn đường đất, chưa hoàn thiện. Đây là đoạn đầu tiên của tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận.
Tại đây, một phần đường dẫn khoảng 500 m trên cao vẫn là khối bêtông trơ trọi giữa bãi đất trống.
Sau nhiều lần chuyển đổi chủ đầu tư, điều chỉnh vốn và hai lần gia hạn tiến độ, hiện dự án đạt khoảng 22% tổng khối lượng thi công. Tỉnh Tiền Giang đã giải phóng mặt bằng được 98%, khoảng 50 km.
Các nhánh vẫn dang dở, chưa thể đấu nối vào cao tốc TP HCM - Trung Lương. Các hạng mục của gói thầu này thi công từ năm 2015 và đã ngừng gần một tháng nay.
Ở những gói thầu khác cũng mới xong giai đoạn giải phóng mặt bằng, xử lý lún và thi công nền đường.
Tại đoạn qua kênh Chợ Bung (huyện Châu Thành) chỉ có những trụ cầu đang dần thành hình.
Đoạn cao tốc qua huyện Tân Phước còn đang thi công các hạng mục thay đất hữu cơ, đắp cát nền đường... Theo dự tính, các công tác khác như xử lý chống thấm, lu lèn, dỡ, làm móng đường, trải nhựa... hoàn thành trong năm 2020.
Dọc tuyến cao tốc, nhiều đoạn hầm chui dân sinh vẫn thi công dang dở, ngổn ngang đất cát, vật liệu xây dựng.
Ở điểm cuối của dự án (huyện Cái Bè) vẫn là những đoạn đường mới được thi công. Các đoạn đường dẫn, lối vào, lối ra cao tốc ngập sình lầy giữa ruộng lúa.
Anh Nguyễn Tuấn Hải (công nhân) cho biết, mọi người ở đây đang thi công cầm chừng và không biết sẽ ngưng làm việc khi nào.
Theo đại diện đơn vị thi công các gói thầu, suốt ba tháng qua, chủ đầu tư không có tiền thanh toán cho họ. Các nhà thầu gặp rất nhiều khó khăn, không có tiền chi trả lương cho công nhân, mua nguyên vật liệu.
Băng rôn yêu cầu chủ đầu tư trả tiền được căng ở công trường ngày 23/7. Theo chủ đầu tư, nếu không được rót vốn như cam kết, đến cuối tháng 8, rất có khả năng dự án phải dừng để giảm thiệt hại.
UBND Tiền Giang (cơ quan quản lý dự án) cho biết, tỉnh đã đăng ký lịch làm việc với Thủ tướng để báo cáo những khó khăn, vướng mắc về nguồn vốn ngân sách, điều chỉnh dự án cao tốc.
Dự án cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận khởi công tháng 11/2009, với tổng vốn hơn 14.000 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2013. Chủ đầu tư là Công ty cổ phần phát triển đường cao tốc BIDV
Năm 2012, chủ đầu tư từ chối triển khai tiếp. Công trình bị ngưng trệ đến năm 2015 mới khởi công lại theo hình thức BOT và sẽ hoàn thành sau ba năm. Năm 2017, sau hơn một năm dừng thi công, dự án tiếp tục khởi động lại. Lần này, vốn điều chỉnh là 9.668 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành cuối năm 2020. Hiện chủ đầu tư đã được thay thế bằng Công ty Cổ phần BOT Trung Lương - Mỹ Thuận.
Theo Quỳnh Trần
Vnexpress