Kế hoạch 2019 thận trọng, dự phòng đầy đủ khó khăn
Ngay từ đầu năm nay, HĐQT và Ban lãnh đạo CTI cho biết đã dự báo đầy đủ các khó khăn của nhóm dự án đầu tư BOT và có phương án dự phòng, xử lý hợp lý. Hiện nay các dự án BOT đã đầu tư và đưa vào khai thác như BOT Tuyến Quốc lộ 1A, Quốc Lộ 91 -91B Cần Thơ An Giang vẫn đang được quản lý và khai thác theo đúng phương án tài chính mới đã được phê duyệt, các hoạt động thu phí, duy tu bảo dưỡng được thực hiện đúng quy định.
Về những diễn biến gần đây tại trạm thu phí T2 dự án BOT Quốc Lộ 91 - 91B Cần Thơ An Giang, trao đổi với báo chí mới đây, lãnh đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết không thể di dời trạm thu phí này. Quan điểm của vị lãnh đạo là nhà đầu tư mới tiến hành thu phí hoàn vốn cho dự án, số tiền còn lại rất lớn, Nhà nước không có tiền để mua lại trạm. "Như chúng tôi đã nhiều lần nói, do ngân sách hạn hẹp, nên Nhà nước phải kêu gọi tư nhân đầu tư. Và đương nhiên, doanh nghiệp phải thu hồi vốn đã đầu tư… nên rất cần sự chia sẻ của người dân".
Bên cạnh đó, về dự án đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu xây dựng, công ty đang tập trung tiến hành hoàn thiện các thủ tục pháp lý để được thu phí hoàn vốn dự án trong quý III. Với dự án nút giao 319 và Cao tốc TP HCM - Long Thành, khối lượng thi công đã đạt được khoảng 48%, dự kiến sẽ hoàn thành dự án trong quý I/2020 để sớm đưa vào khai thác và thu phí. Dự án đầu tư chuyển giao dự án BOT 319 – Phan Thiết, Đồng Nai đang tiến hành hoàn tất các thủ tục chuyển giao với đối tác và dự kiến thực hiện trong tháng 7.
Ban lãnh đạo cho biết chắc chắn trong năm 2019, với sự góp mặt của hai dự án là BOT đường chuyên dùng vận chuyển vật liệu và BOT 319 Phan Thiết, Đồng Nai đi vào khai thác sẽ tạo ra sự đột phá mới, làm tăng doanh thu và ổn định nguồn vốn đầu tư cho công ty.
Mặc dù đang và sẽ tiến hành thu phí, chuyển giao nhiều dự án BOT ngay trong năm nay nhưng HĐQT và Ban điều hành vẫn đặt kế hoạch kinh doanh năm 2019 khá thận trọng trên cơ sở ghi nhận từ nhiều lĩnh vực khác.
Doanh thu hợp nhất đạt 1.305 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 141,5 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 10% so với kết quả thực hiện năm trước. Trong đó, doanh thu công ty mẹ dự kiến thu 729 tỷ đồng, chủ yếu đến từ hoạt động xây lắp, cung cấp bê tông nhựa (400 tỷ đồng),khai thác gia công đá (150 tỷ đồng),cung cấp ống (100 tỷ đồng)…
Ông Trần Như Hoàng, Chủ tịch HĐQT CTI cho biết kế hoạch đầy thận trọng này được đặt ra với sự quyết tâm, nỗ lực lớn từ ban điều hành. Chủ tịch CTI cũng nói thêm, nếu hoàn tất thu phí các dự án giao thông và đảm bảo được mức 12%/năm thì các mảng khác chỉ cần thêm 5 - 7% là CTI có thể đảm bảo được mức cổ tức 20% cho cổ đông, cao hơn 8% so với tỷ lệ chia hiện tại.
Những mảng kinh doanh đầy tiềm năng
Theo kế hoạch, CTI dự kiến bắt đầu ghi nhận doanh thu lớn từ một số lĩnh vực tiềm năng như mỏ đá, khu du lịch ngay trong năm nay hoặc giao nhà ở xã hội từ năm 2020.
Trước hết ở mảng khai thác mỏ đá, đây được coi là "vàng lộ thiên" của CTI khi có trữ lượng tốt, thời gian khai thác lâu dài, đảm bảo nguồn cung cho nhiều dự án lớn của khu vực Đồng Nai và các tỉnh lân cận. CTI hiện khai thác 3 mỏ đá tại Đồng Nai, gồm Tân Cang 8, Thiện Tân 10 và Xuân Hòa với sản lượng tiêu thụ năm 2018 ước đạt 850.000 m3, trong đó 60% sản lượng từ mỏ Tân Cang 8. Các mỏ này đều có thời gian khai thác sau năm 2030. Đây chính là lợi thế lớn của CTI trong giai đoạn sau này, khi mà Chính phủ có thông báo hạn chế cấp mới mỏ đá từ nay đến năm 2020.
Các máy xay đá hoạt động tại mỏ đá Tân Cang 8. Ảnh: CTI.
CTI dự kiến sẽ là một trong các nhà cung cấp đá/cống chính cho dự án sân bay Long Thành. Ngoài ra, dự án xây dựng hệ thống cấp thoát nước thành phố Biên Hòa, dự án đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, chủ trương xây dựng quốc lộ 20 chạy lên Đà Lạt cũng là các yếu tố tích cực đóng góp vào triển vọng khai thác đá xây dựng của CTI.
CTI dự kiến trong năm nay, mỏ Tân Cang 8 mang lại doanh thu 200 tỷ đồng. Hiện tại mỏ này có 4 máy xay đá hoạt động, công ty đang lắp thêm máy để có doanh thu tốt hơn.
Không chỉ doanh thu từ mỏ đá, năm nay CTI cũng có kế hoạch thu về 25 tỷ đồng từ khu du lịch Đảo Ó, Đồng Trường. Hiện tại, dự án đã được đầu tư xây dựng nhiều hạng mục cơ bản.
Khu du lịch Đảo Ó - Đồng Trường đang được CTI xây dựng các hạng mục cơ bản, dự kiến đem lại doanh thu trong năm nay. Ảnh: CTI
Một lĩnh vực khác là bất động sản, CTI tham gia xây dựng khu nhà ở xã hội phường Tam Hòa và khu dân cư xã Phước Tân, TP Biên Hòa, Đồng Nai. Lãnh đạo công ty dự kiến đến tháng 2/2020 sẽ cơ bản hoàn thành dự án nhà ở xã hội Tam Hòa, sẽ giao nhà từ tháng 9/2020. Còn dự án Khu dân cư tại xã Phước Tân (diện tích 10,4 ha) đang tiến hành đền bù giải phóng mặt bằng, trong năm 2020 có thể triển khai thi công.
Với nền tảng vững chắc là nhà thầu thi công các dự án cầu đường, bên cạnh việc đầu tư hàng trăm thiết bị, xe máy các loại phục vụ thi công, CTI cũng dẫn đầu trong ngành xây dựng với nhà máy sản xuất ống cống bê tông đúc sẳn công suất lớn của Đức, trạm sản xuất bê tông tươi, trạm sản xuất bê tông nhựa nóng... nhằm khép kín hệ thống sản xuất - thi công, giảm chi phí sản xuất và tăng hiệu quả kinh doanh.
Không chỉ dừng lại ở đó, CTI còn có “của để dành” với 2 dự án đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục đầu tư. Thứ nhất là dự án xây dựng kết cấu hạ tầng cụm công nghiệp Tân An, huyện Vĩnh Cửu gần 49 ha, công ty đã lập hồ sơ xin chủ trương, dự kiến được cấp phép trong quý III. Thứ hai là dự án KCN Phước Bình - Long Thành (diện tích 640 ha) đang trình Thủ thướng phê duyệt và có thể có kết quả trong năm 2019.
Nguồn ndh.vn.